Edinburgh, thủ phủ của Scotland. Thành phố nằm ở Đông Nam của Scotland, bờ Đông Vành đai miền Trung của Scotland, bên bờ Nam của vịnh Firth of Forth, bờ Biển Bắc. Do vị trí nằm trên một địa hình đồi núi và có nhiều nhà ở kiến trúc thời George và kiến trúc Trung cổ nên Edinburgh là một trong những thành phố gây ấn tượng sâu sắc nhất châu Âu. Edinburgh là thủ đô của Scotland từ năm 1437 (thay thế Scone) và là nơi có trụ sở của Quốc hội Scotland.

Edinburgh khác hẳn với các thành phố khác ở Anh nhờ vào lối kiến trúc rất đặc trưng. Những mái tháp cổ kính vút cao. Những tòa nhà lớn bằng đá xám phơi mình trong ráng chiều. Những con đường lát đá quanh co. Thành phố nằm trên mấy ngọn đồi, vì thế những con phố và những tòa nhà cổ được nối với nhau bằng lối đi tắt là những cầu thang đá. Có những cầu thang rộng và dài hàng trăm bậc, phủ rêu xanh rì. Có những cầu thang hẹp chỉ vừa một người đi, tối om om. Tôi rất thích những cầu thang đá này, nhất là cầu thang đá có tên Warriston’s Close nối hai con phố Cockburn Street và High Street với nhau.

Edinburgh - Thủ Phủ Scotland

Ảnh: Lê Đức Tiến – Aston Business School

Thành phố Edinburgh chia ra làm hai khu: Old Town và New Town. Old Town là khu vực lâu đời và cổ xưa nhất, có những kiến trúc ở đây được xây dựng từ thời trung cổ (thế kỷ thứ 6). Khu Old Town có những con đường lát đá rất đẹp dành cho người đi bộ như là Castlehill, Lawnmarket, High Street, Canongate và Abbey Strand. Những con đường này được gọi chung là Royal Mile, chạy dọc nối hai điểm đầu và điểm cuối là lâu đài cổ Edinburgh và cung điện Holyrood, là nơi ở của Nữ hoàng tại Scotland. Tuyến đường Royal Mile, như tên gọi của nó, dài khoảng một dặm Scot (xấp xỉ 1,81 km), được lát bằng những miếng đá núi đen bóng xếp xen kẽ thành từng lớp đều nhau, đi qua những con dốc thoai thoải dẫn đến một trong những tòa lâu đài nổi tiếng nhất Anh quốc: Lâu đài Edinburgh, trên con đường này là những tòa nhà cao sừng sững, những ngôi nhà thờ cổ kính trang nghiêm, những quầy rượu và quán ăn có từ thế kỷ trước, những pho tượng của những nhà hiền triết trầm tư hoặc của những vị tướng quân uy mãnh. Khu Old Town cũng là nơi diễn ra Edinburgh Festival hằng năm, là một chuỗi các sự kiện văn hóa, nghệ thuật diễn ra trong suốt những ngày tháng 8, làm nên một trong những liên hoan văn hóa lớn nhất và đặc sắc nhất châu Âu.

Edinburgh - Thủ Phủ Scotland

Ảnh: Lê Đức Tiến – Aston Business School

Xuôi từ khu Old Town về phía đường Princes Street sẽ đi qua một cây cầu đặc biệt. Cây cầu này không bắc qua con sông nào cả, mà nó bắc ngang qua khu nhà ga lớn thứ 2 ở Anh – Edinburgh Waverley Station. Qua cây cầu này là đến lãnh địa của khu New Town. Mặc dù có cái tên là như vậy nhưng New Town là một khu vực được xây dựng từ giữa thế kỷ 18, đặc trưng bởi kiểu kiến trúc tân cổ điển và kiến trúc theo phong cách của thời phục hưng. Trái ngược với sự êm đềm và nhịp điệu thong thả của khu Old Town, khu New Town là nơi rất năng động, cũng là nơi tập trung của rất nhiều những dịch vụ và cửa hàng, khu dân cư sinh sống, khu văn phòng và trung tâm mua sắm hiện đại mà một thành phố lớn cần phải có. Mật độ lưu thông của người và xe ở đây cũng dày đặc và nhộn nhịp không kém các con phố lớn ở London. Từ trên ngọn đồi Calton Hill nhìn xuống khu New Town vào buổi tối khi thành phố đã lên đèn, sẽ thấy một bức tranh rực rỡ muôn màu.

Edinburgh - Thủ Phủ Scotland

Ảnh: Waverley Bridge – https://www.flickr.com

Khí hậu Edinburgh:

Đến với Scotland, bạn sẽ được trải nghiệm một kiểu thời tiết rất kì lạ. “Everything has a chance”. Người Scotland có câu: “Không có thời tiết xấu, chỉ có quần áo sai”. Bạn có thể vừa gặp một cơn mưa nhẹ, nhưng ở bên kia cầu North Bridge, trời đã nắng chang chang mất rồi. Vì thế, khi đi tour du lịch Scotland hãy nhớ chuẩn bị cho mình một chiếc áo mưa mỏng, và nếu có thể thì trang bị thêm một đôi boots chống nước nhé. Thời điểm đi du lịch Scotland thích hợp nhất là từ tháng 6 đến tháng 8. Đây là khoảng thời gian du lịch Edinburgh rất đông và có nhiều lễ hội diễn ra.

Ẩm thực:

Tại Edinburgh, mình cũng được trải nghiệm đồ ăn mang đặc sắc Scotland. Một là Haggis (kiểu lòng dồi băm nhỏ với bánh và cheese nướng lên) ăn với Neeps and Tatties soup và hai là Deep Fried Mars Bar. Món thứ nhất mình được ăn ở Howies Restaurant, gần Calton Hill, món thứ hai mình thử ở một quán Fish and Chip trên Royal Mile.

Edinburgh - Thủ Phủ Scotland

Ảnh: Internet

Người dân Scotland sống bằng nông nghiệp, rượu Whisky, nuôi cá hồi, du lịch. Rượu Scotch Whisky nổi tiếng ngon nhất thế giới chắc vì nguồn nước quá trong lành. Ngoài ra các con suối ở Scotland nước hơi có màu nâu đỏ vì trong nước có một khoáng chất họ carbon gọi là peat. Chắc là vì nguồn nước đặc biệt này mà Scotch Whisky gần như không có đối thủ cạnh tranh.

Con người:

Người Scotland bản thân luôn thích khác biệt với England. Sau mấy trận đánh nhau tưng bừng với England (mà bạn có thể xem phim Brave Heart có Mel Gibson đóng) người Scott vẫn bảo vệ được sự độc lập của quốc gia. Mãi đến năm 1603, nữ hoàng Elizabeth I qua đời mà không có người nối giõi thì vua James VI của Scotland (họ hàng gần của nữ hoàng) mới trở thành James I của England và thống nhất hai quốc gia này. Biểu tượng của England là sư tử thì biểu tượng của Scotland phải là kỳ lân để không bị thua kém. Gia huy của nữ hoàng tại England sư tử bên trái, kỳ lân bên phải nhưng khi lên Scotland thì đổi lại kỳ lân bên trái, sư tử bên phải.

Ngoài ra còn có rất nhiều khác biệt nữa ví dụ như người Scott rất yêu quý trang phục dân tộc của họ, trong đó có việc đàn ông mặc váy bằng vải ca-rô tartan (kilt). Ở các dịp lễ trang trọng ở England, người Scott sẽ mặc váy hoặc mặc quần vải tartan. Người Scott có nghị viện riêng của họ ở Edinburgh. Họ có hệ thống giáo dục hơi khác biệt, học cử nhân ở Scotland là 4 năm trong khi ở England là 3 năm.

Tiền tệ:

Scotland in tiền riêng có giá trị tương đương với bảng Anh, và có 3 ngân hàng ở Scotland được phép in tiền. Thiệt ra tiền này chỉ có giá trị lưu hành ở Scotland là chính, mấy chỗ đổi tiền trên thế giới không chịu đổi cho bạn loại tiền này đâu. Nếu bạn có một ít tiền Scottish pounds thì ráng xài tại sân bay chứ không xài được chỗ nào khác.

Lễ hội Fringe: 

Edinburgh nổi tiếng vì có Edinburgh Festival hàng năm, kéo dài trong 4 tuần đầu tháng 8. Lễ hội nổi tiếng trong chùm lễ hội này là Edinburgh Fringe (festival nghệ thuật biểu diễn lớn nhất thế giới), Festival quốc tế Edinburgh, Edinburgh Military Tattoo, và Liên hoan Phim quốc tế Edinburgh.

Bạn sẽ không thể tưởng tượng được nơi nào trên thế giới có thể tồn tại một lễ hội to lớn và vui nhộn đến thế. Nó là sự quy tụ của rất rất nhiều các nghệ sĩ đường phố về nơi đây, từ ảo thuật, hài kịch, âm nhạc đến đủ mọi hoạt động giải trí trên đời. Người bạn local của mình ở đây thông tin rằng trong một đêm có đến hơn 3000 shows các thể loại được trình diễn trong hơn 500 venues ở cả Old Town và New Town ở Edinburgh. Bạn có thể hoài nghi về thông tin trên, nhưng nếu bạn đã đến đây và được tham gia vào những show diễn nơi này thì thông tin đó là hoàn toàn chính xác. Chúng được tổ chức ở hầu hết các quán bar, pub và nằm sâu trong những con hẻm, tầng hầm của nhiều tòa nhà lịch sử. Mình đã từng đi xuống một quán bar có 4 tầng ngầm và ở mỗi tầng lại có rất nhiều các phòng khác nhau để phục vụ các nghệ sĩ thực hiện các tiết mục của mình. Hầu hết các tiết mục thường là comedy, nếu đó là free và vì thế hãy cân nhắc để đi xem những chương trình này nếu vốn tiếng anh của bạn không đủ lớn nhé. Bọn mình đã tham gia 2 shows có trả phí. Một được quản lý bởi người bạn Anh của mình, thực sự không còn từ gì có thể diễn tả được sự hấp dẫn trong cách làm âm nhạc của họ. Chỉ mất 10 bảng vé vào cửa nhưng thực sự bạn sẽ thấy nó thật sự đáng giá hơn thế rất nhiều, chỉ đủ để diễn tả 2 từ tuyệt vời mà thôi.

Edinburgh - Thủ Phủ Scotland

Ảnh: Internet

Ngoài ra nếu ai muốn xem ảo thuật, hãy đến với venue 276 trên đường Victoria, vài ngày lang thang ở đây đủ để mình nhận ra những show miễn phí nào thực sự hay và hấp dẫn. Tuy nói là miễn phí, nhưng nếu có thể hãy quyên góp cho những nghệ sĩ này vào cuối chương trình nhé, vì đa phần họ đều là những người sinh sống bằng nghề nghiệp này, do đó số tiền bạn bỏ ra sẽ giúp họ tiếp tục duy trì lễ hội Fringe vô cùng đặc sắc này đấy.

Hiện Lễ hội Fringe 2020 chưa có kế hoạch do dịch virus Covid-19. Thông tin chi tiết xin xem tại: https://www.edfringe.com/experience/programme-order

Một số sự kiện nổi bật khác bao gồm lễ hội đường phố Hogmanay ngày (31 tháng 12), Ngày Burns (25 tháng 1), Ngày lễ Thánh Andrew (30 tháng 11) và lễ kỉ niệm Beltane (30 tháng 4).

Điểm thăm quan Edinburgh:

Các di tích lịch sử ở Edinburgh bao gồm Lâu đài Edinburgh, Cung điện Holyroodhouse, nhà thờ thánh Giles, Greyfriars và Canongate, và Thị trấn Mới Gruzia rộng lớn, được xây dựng vào thế kỷ 18. Thị trấn Cổ Edinburgh và Thị trấn Mới cùng nhau nằm trong danh sách Di sản Thế giới của UNESCO. Ngoài ra bạn có thể đến thăm quan Đồi Calton, The Real Mary King’s Close, Ngôi làng Duddingston, Lâu đài Craigmillar, Gladstone’s Land, Royal Mile, Nghĩa địa Greyfriars Kirkyard, xa hơn có Hồ Lochness nơi có truyền thuyết về quái vật Nessie.

Mua sắm ở Edinburgh:

Có thể nói Edinburgh là một điểm điểm khá lý tưởng dành cho các tín đồ mua sắm bởi nơi đây có rất nhiều thương hiệu nổi tiếng như The body shop, Lush, H&M, Primark… Không giống như London, các cửa hàng ở đây đa dạng và dễ mua hơn hẳn. Du lịch Edinburgh, bạn đừng quên mua về những món đồ lưu niệm xinh xắn, quần áo hay khăn quàng đặc trưng của Scotland để làm quà cho gia đình và bạn bè.

Lưu ý một điều nữa là thuế VAT ở đây khá cao nên khi mua đồ (16% với khách du lịch không thuộc khối EU: https://europeupclose.com/article/scotland-tourist-information/), bạn hãy xin VAT Refund Form ở tại các cửa hàng, giữ đầy đủ hóa đơn để được hoàn thuế ở sân bay trước khi về nước.

Theo: https://vnstudentsinbirmin.wixsite.com/vnsb/single-post/2016/01/26/T%E1%BA%A3n-m%E1%BA%A1n-v%E1%BB%81-Edinburgh
Facebooker: Chieutran Tran – Chu Tiến Cường